Home » Tin hữu ích » Cách khuyến học của người Quảng Ngãi xưa

Cách khuyến học của người Quảng Ngãi xưa

Cách khuyến học của người Quảng Ngãi xưa

– Đề cao việc học, hầu hết các bản hương ước được các làng xã ở Quảng Ngãi thuở xưa ban hành đều đề cập đến hoạt động khuyến học. Dù rằng, những quy ước về việc khuyến học, khuyến tài ghi trong hương ước mỗi nơi mỗi khác, nhưng nhìn chung đều thể hiện sự trân trọng, khuyến khích việc học hành của người Quảng Ngãi xưa.

Từ xa xưa, vùng đất “địa linh nhân kiệt” Quảng Ngãi vốn nổi tiếng với truyền thống hiếu học và khuyến học. Khuyến khích con em học hành không chỉ là việc riêng của mỗi gia đình, mà là việc chung của làng xã.

Hương ước làng Long Phụng
Hương ước làng Long Phụng, nay thuộc xã Đức Thắng (Mộ Đức) quy định về ruộng khuyến học để khuyến khích học hành. Trong ảnh: Một góc làng Long Phụng ngày nay. Ảnh: Ý THU

Luận bàn về cách khuyến học của các làng xã xưa, chúng tôi xin được dẫn chứng về một số bản hương ước do các làng xã của tỉnh Quảng Ngãi ban hành vào thời vua Bảo Đại. Trong số 13 bản hương ước của các làng xã được tìm thấy, hầu hết đều có các điều khoản quy định về “giáo dục”. Điều đó đã chứng tỏ sự lưu tâm của người xưa đối với việc học hành của con em tại làng xã.

“Đến nay, chúng tôi đã tìm thấy có tất cả 13 bản hương ước của các làng xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có cách đây gần trăm năm (cả bản chữ Hán, lẫn chữ Quốc ngữ). Trong tất cả các bản hương ước này đều có mục quan trọng dành cho khuyến học, với những điều khoản cụ thể. Sở dĩ làng xã chú trọng đến việc khuyến học, được thể chế hóa trong lệ làng. Bởi người xưa luôn coi chuyện học hành và xem giáo dục là vấn đề sống còn liên quan đến sự hưng thịnh hay suy vong không chỉ của làng xã, mà còn rộng hơn là của cả quê hương, đất nước”.

 Nhà nghiên cứu văn hóa, TS. NGUYỄN ĐĂNG VŨ

Theo bản hương ước làng Long Phụng, nay thuộc xã Đức Thắng (Mộ Đức), làng dành ra một mẫu ruộng gọi là ruộng khuyến học để “chiếu lệ xin đấu giá để bạc vào hương quỹ, hễ đến kỳ hạch, trò nào đậu cao, thì hội đồng trích bạc ấy mua giấy viết sách vở hạng tốt cấp thưởng và trích bạc ấy tu bổ trường và bàn ghế”.

Ở làng Phủ Lễ, nay thuộc xã Bình Trung (Bình Sơn), những người đỗ đạt trong làng từ thấp đến cao đều có thưởng. Học trò học trong trường tiểu học của làng, cứ đứng thứ 7 trở lên thì có thưởng giấy, mực, viết. Còn ở làng Thi Phổ Nhì (Mộ Đức), học trò của làng phải đứng thứ 5 trở lên mới được thưởng giấy, viết để khuyến khích. Tại làng Quýt Lâm, nay thuộc xã Đức Phong (Mộ Đức) còn có lệ là sẵn sàng tổ chức lễ bái yết cho những ai thi đỗ từ Thành Chung trở lên, nếu muốn tổ chức rước về làng như ngày xưa vinh quy khoa giáp thì làng cũng đồng ý.

Không chỉ dừng lại ở việc tuyên dương, khen thưởng; hoạt động khuyến học ở các làng xã ngày trước còn tạo điều kiện cho học trò nghèo có cơ hội được học hành. Về điều này, làng Chánh Lộ ngày trước (nay tương đương phần đất từ ngã năm Thu Lộ, thuộc phường Trần Phú trở xuống và bao gồm đến các phường Chánh Lộ, Nghĩa Lộ, Nghĩa Chánh, Lê Hồng Phong, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Nghiêm của TP.Quảng Ngãi bây giờ) đã đề cập trong bản hương ước rằng, “trong làng có người nào học giỏi, hạnh kiểm tốt mà chẳng may gặp cảnh nghèo, làng có thể cấp học cụ hay học phí để cho người ấy theo đuổi sự học đến nơi đến chốn”.

Thậm chí, làng Thi Phổ Nhì còn dành riêng một khoản quy định trong hương ước về việc khen thưởng cho các gia đình nghèo có con hiếu học như, “trong làng, người nào nhà nghèo mà khuyên nuôi con em theo học được chuyên cần, cứ mỗi cuối năm, làng xét thiệt chi bạc công quỹ cấp cho mỗi trò hai đồng để mua giấy viết học”.

Thêm một điều đáng quý nữa là, công tác khuyến học của người Quảng Ngãi xưa không dừng lại ở việc hỗ trợ, khuyến khích cho học sinh ở độ tuổi đến trường, mà còn mở rộng ra với mọi thành phần, lứa tuổi. Tại làng Chánh Lộ xưa, những người lớn tuổi trong làng, bất kể là đàn ông hay phụ nữ, hễ còn mong muốn học hành, sẽ được làng tạo điều kiện tổ chức mở lớp dạy học. Nhằm tạo thuận lợi cho người lớn tuổi học tập, làng Chánh Lộ quy định cụ thể vào hương ước, “làng có thể xin phép mở những lớp dạy tối ở nhà Hội của làng hay ở những nơi khác, để đón lấy những người lớn tuổi trong làng, không kể đàn ông hay đàn bà, muốn học cho biết”. Đây cũng là điểm khác biệt về khuyến học của hương ước làng Chánh Lộ, so với các hương ước làng khác.

Bên cạnh khuyến khích con em học chữ, người làng Chánh Lộ xưa còn đưa vào hương ước những lời khuyên răn phụ huynh bảo ban con em học lễ nghĩa, “phụ huynh nên thường thăm viếng thầy giáo ở trường, hiệp tác với họ để mưu sự ích lợi cho con em đi học. Những người nghèo thất học cũng có thể dạy bảo con em, những sự lễ nghĩa, những bản phận theo nền luân lý của ông bà ta để lại”…

Từ chuyện khuyến học được lưu lại tại các bản hương ước, có thể thấy, từ xưa, việc học luôn được người Quảng Ngãi coi trọng. Dẫu trải qua gần cả thế kỷ, nhưng nhiều cách khuyến học hay, sáng tạo tại các làng xã xưa vẫn còn vẹn nguyên giá trị đến tận ngày nay…

Ý THU

Nguồn: BaoQuangNgai

Check Also

Tin nóng Quảng Ngãi T11-2022

Tin nóng Quảng Ngãi T4-2024

Tin tức – tin nóng Quảng Ngãi 2024 Post Views: 657