Home » Tin hữu ích » Ghi dấu địa danh qua ca dao xứ Quảng

Ghi dấu địa danh qua ca dao xứ Quảng

(Báo Quảng Ngãi)- Trong ca dao xứ Quảng bao giờ cũng nhắc đến địa danh ở các huyện, thị xã, thành phố. Những câu ca dao ấy là một phần trong di sản văn hoá, để thế hệ sau hiểu thêm về đất và người xứ Quảng.

Những câu ca dao xứ Quảng mộc mạc mà đi vào lòng người một cách sâu lắng, thể hiện con người sống có nghĩa có tình, coi trọng đạo lý… Trong kho tàng ca dao ở Quảng Ngãi có nhiều địa danh được nhắc đến gắn liền với tình đất, tình người đằm thắm như: “Ai về núi Ấn sông Trà/ Có thương cô bậu ghé nhà mà thăm”; “Sông Trà sát núi Long Đầu/ Nước kia chảy mãi rồng chầu ngày xưa/ Núi Long Đầu lưu danh hậu thế/ Chùa Thiên Ấn ấn để hậu hoàng/ Ai về xứ Quảng cho nàng về theo”…

Sa Huỳnh được nhắc đến trong ca dao là nơi có nghề làm muối truyền thống ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).

Sa Huỳnh được nhắc đến trong ca dao là nơi có nghề làm muối truyền thống ở phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ).

Sông Trà Khúc dẫn nước từ thượng nguồn, vượt qua bao thác ghềnh, rồi hòa mình vào biển cả mênh mông tại điểm giao nhau ở cửa Cổ Lũy. Những nơi dòng sông đi qua, ngoài cảnh sắc thiên nhiên sông nước tuyệt đẹp, còn gắn liền với lịch sử phát triển kinh tế và mang đậm bản sắc văn hoá. “Ai về Cổ Lũy cô thôn/ Nước sông Trà Khúc sóng dồn lăn tăn”…

Sông Trà Khúc hình thành nên giao thương đường thuỷ và tạo nên “tiểu vùng văn hoá sông Trà Khúc”, trở thành một vùng đất đầy hứa hẹn. Người di dân đến đây và cả người dân địa phương tìm được nguồn lợi và mưu cầu về một cuộc sống tốt hơn. Ở xứ Quảng, sông Trà Khúc còn như dòng sữa ngọt ngào từ bao đời nuôi dưỡng cư dân đôi bờ. Bởi thế, dọc hai bên sông còn có những làng nghề thủ công như nghề trồng dâu, nuôi tằm ở làng Sung Tích, xã Tịnh Long (TP.Quảng Ngãi); nghề dệt chiếu Cổ Lũy ở xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) và ở xã Nghĩa Hoà (Tư Nghĩa); nghề rèn ở xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh); nghề nấu đường muỗng, chế biến đường phèn, đường phổi nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc…

Địa danh trong ca dao còn gắn liền với những tình cảm tốt đẹp của con người xứ Quảng. Đó là lòng tự hào, yêu mến đối với quê hương khi tạo nên những sản vật, làng nghề, truyền thống văn hóa. Giọng điệu tha thiết, trìu mến, say sưa là âm hưởng chủ đạo trong ca dao xứ Quảng, tất cả nói lên rằng, người Quảng mến thương, rất đỗi tự hào về mảnh đất quê hương mình: “Gái Thanh Khiết giỏi nghề cải giá/ Trai Sung Tích chuyên dạ kén dâu”; “Ai về Cổ Lũy, Xóm Câu/ Nhớ mua đôi chiếu đón dâu về làng”; “Bậu về nhớ ghé Ba La/ Mua cân đường phổi cho ta với mình”…

Không những thế, vùng đất này gắn liền với các sản vật, đặc sản nổi tiếng: “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ con cá bống sông Trà kho tiêu”, hay “Chim mía Xuân Phổ/ Cá bống sông Trà/ Kẹo gương Thu Xà/ Mạch nha Mộ Đức”; “Sơn Tịnh đường đinh/ Sa Huỳnh muối trắng”…

Nhiều địa danh trong ca dao xứ Quảng còn được nhắc đến như thể hiện tính cách, lối sống của con người nơi đây. Mượn địa danh để nói thay cho tấm lòng, tình cảm chân thành, bằng cách đưa ra những mệnh đề giả định phi lý, khẳng định những phẩm chất tốt đẹp của con người xứ Quảng như: “Bao giờ núi Ấn hết tranh/ Sông Trà hết nước anh đành xa em”, “Bao giờ rừng Thủ hết gai/ Sông Trà hết nước mới sai lời nguyền”…

Những câu ca dao xứ Quảng đã ghi dấu đậm nét một vùng đất có nhiều di tích lịch sử, văn hóa ngành nghề truyền thống và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng… Qua những câu ca dao thấm đượm nghĩa tình, nhiều người hiểu và yêu mến hơn về đất và người Quảng Ngãi, câu ca như lời mời gọi bè bạn về với Quảng Ngãi mến thương!

TRUNG ÂN – baoquangngai

Check Also

Tin nóng Quảng Ngãi T11-2022

Tin nóng Quảng Ngãi T4-2024

Tin tức – tin nóng Quảng Ngãi 2024 Post Views: 652