(Báo Quảng Ngãi)- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, miếu Phú Long không chỉ là nơi liên lạc, hội họp của các cơ sở cách mạng, mà đây còn là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân. Công trình kiến trúc cổ này vừa được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.
Nơi lưu giữ giá trị cổ xưa
Miếu Phú Long tọa lạc tại thôn Phú Long, xã Trà Phú (Trà Bồng). Đây là ngôi miếu cổ được các bậc tiền nhân là thủy tổ của các dòng họ Bùi, Nguyễn, Trần, Lê, quê gốc Nghệ An đã vào định cư ở vùng đất Đông Phú, nay là xã Trà Phú vào những năm 1770 – 1780 tạo lập. Ban đầu miếu Phú Long được xây dựng bằng tre, tranh, gỗ đơn sơ, sau đó được thế hệ kế tiếp bồi đắp, cải tạo nâng cấp dần. Đây là chứng tích của lịch sử buổi đầu khai phá gây dựng và phát triển vùng đất Đông Phú xưa trong hành trình mở mang bờ cõi về phương Nam của cha ông ta.
Miếu Phú Long là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, cố kết cộng đồng ở huyện Trà Bồng. Ảnh: T.Phong
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, miếu Phú Long được sử dụng làm nơi hội họp, dạy bình dân học vụ và cũng là nơi ăn, ở của dân công các xã lân cận tham gia đào địa đạo. Trong kháng chiến chống Mỹ, giai đoạn 1961 – 1964, miếu Phú Long là nơi liên lạc của cơ sở cách mạng ở địa phương.
Ngoài giá trị lịch sử, miếu Phú Long là nơi bảo lưu, trao truyền những giá trị văn hóa phi vật thể thông qua thực hành thờ cúng và tế lễ hằng năm. Các nhân vật được phụng thờ trong miếu là nữ thần và các bậc tiền hiền, hậu hiền, lễ tế chính thức được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm. Đây cũng là nơi hằng năm địa phương tổ chức hội hè, tế lễ, biểu diễn các loại hình văn nghệ, văn hóa dân gian như hát hò, hát bội…
Ông Võ Hoan, chủ tế của miếu Phú Long, cho hay: Nghi lễ lớn nhất và trang trọng nhất trong năm ở đây là lễ ngày giỗ Bà và các bậc tiền hiền, hậu hiền. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ tổ tiên, cầu mong mưa thuận gió hòa, con người khỏe mạnh, mùa màng tươi tốt, xóm làng bình yên. Hoạt động thờ cúng và tế lễ tại miếu đã phản ánh tình đoàn kết, cố kết cộng đồng và là cơ hội để tăng cường hiểu biết về cội nguồn, những đạo lý và bản sắc văn hóa địa phương.
Giữ gìn và phát huy giá trị di tích
Trải qua thời gian và chiến tranh ác liệt, đến nay miếu Phú Long vẫn giữ được yếu tố nguyên gốc, góp phần khẳng định giá trị lịch sử và kiến trúc đặc trưng của di tích này. Miếu được nhân dân địa phương giữ gìn, tôn tạo cẩn trọng. Trong khuôn viên miếu còn giữ lại cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi, thân cây có đường kính 4m. Cây đa cổ thụ và những cây xanh là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên vẻ đẹp cảnh quan môi trường của di tích.
Miếu Phú Long nằm trên đồi Chùa, được bao bọc trong khuôn viên rộng hơn 6.000m2, mang giá trị thẩm mỹ với một vị trí đẹp, trước mặt miếu là ruộng đồng, sau lưng là sông Trà Bồng, kiến trúc hài hòa với thiên nhiên, sân vườn rộng và thoáng đãng, được bóng cây cổ thụ che mát quanh năm.
Hằng năm, có nhiều đoàn khách đến đây tham quan, nhất là vào dịp tế Bà. Vào dịp hè, học sinh các trường đến tham quan, tìm hiểu về lễ hội, tập quán thờ cúng các bậc tiền hiền, hậu hiền. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, lòng tự hào với di sản văn hóa của cha ông để lại cho thế hệ trẻ. Chủ tịch UBND xã Trà Phú Võ Tiến Thế cho biết: “Địa phương đã xây dựng kế hoạch bảo quản, gìn giữ công trình kiến trúc cổ ở miếu Phú Long, đặc biệt là các kết cấu kiến trúc gỗ hàng trăm năm tuổi. Sắp đến sẽ trồng thêm cây bóng mát, cây ăn quả trong khuôn viên của miếu nhằm góp phần cải tạo cảnh quan môi trường và tăng thêm vẻ đẹp tổng thể của di tích để thu hút du khách”.
TRÍ PHONG
.
Nguồn: