Home » Tin hữu ích » Trần Cao Duyên- Giữa lòng cát ẩn một tình yêu

Trần Cao Duyên- Giữa lòng cát ẩn một tình yêu

(Báo Quảng Ngãi)- Là một nhà giáo, cộng tác viên thân thiết của báo Thanh Niên, Trần Cao Duyên được bạn đọc biết đến bằng những tản văn ngăn ngắn mà hữu tình trên các chuyên mục. Nhưng, xuất phát điểm và có lẽ đến cuối đời, bản mệnh Trần Cao Duyên lại là bản mệnh thơ.

 

Tác giả Trần Cao Duyên.                Ảnh: TL

Tác giả Trần Cao Duyên. Ảnh: TL

Sinh ra, lớn lên, học Ngữ văn rồi lại dạy học ngay trên quê hương mình; vùng đất Sa Huỳnh mặn muối đã ám vào thơ Trần Cao Duyên như một định số: “Triền cát dài bên vách núi chênh vênh/ Và gió biển như chàng trai phóng khoáng/ Chiếc vỏ ốc nhỏ nhoi nằm trên cạn/ Đâu biết giữa lòng cát ẩn một tình yêu” (Quê cát).
 
Nói đến biển, dễ xui ta nghĩ ngay đến cái ầm ào gió cát, cuồn cuộn triều dâng, sóng gầm bão tố cùng những âm thanh dữ dội của tiếng sóng va đập vào ghềnh đá đối mặt với biển khơi, nhưng biển trong thơ Trần Cao Duyên lại khác. Sống với biển nhưng thơ Trần Cao Duyên không hề bạo liệt, sốc nổi và lại rất lặng thầm, nhỏ nhẻ. Có cái phóng khoáng của biển, nhưng tuyệt nhiên không hề có cái dữ dội, xoáy lốc của biển khơi, của bão cát. Nét duyên thầm của biển chính là ở đó. Tình yêu ẩn trong lòng cát chính vì lẽ đó. Biển của Duyên luôn hiền hòa, thơ mộng. Trên đầu là khoảng trời bao la; dưới đất là miền quê cát trắng điểm giữa từng không một cánh diều trắng; trước mắt là cánh buồm nâu; gần hơn là con thuyền, bến bãi chan hòa giữa biển và trăng: “Có thể nào quên được hỡi em/ Khoảng trời ấy với miền quê cát ấy/ Cánh diều trắng, buồm nâu, chiều gió dậy/ Con thuyền và bến bãi, biển và trăng” (Quê cát).
 
Là thầy giáo, thơ anh trầm và hiền. Nhỏ nhẻ như lời tỉ tê, gửi gắm, âm thầm, vỗ về, an ủi của con sóng đùa trên cát vàng những ngày trời êm biển lặng. Quê hương gió cát của Trần Cao Duyên hiển hiện trong thơ anh là những bông hoa “e ấp” của những “loài hoa mộc mạc”, “bình dị sắc màu” đến “không muốn gọi tên”: “Người yêu ơi em có ngại ngùng chăng/ Khi anh dắt em về nơi gió cát/ Nơi e ấp những loài hoa mộc mạc/ Bình dị sắc màu hoa không muốn gọi tên” (Quê cát). Nhưng ở đó ẩn chứa một thứ hương tình có sức lan tỏa dễ làm lòng người xao xuyến đến sững sờ như những cơn gió phóng khoáng từ khơi xa vuốt ve những triền cát trắng trải dài bên chênh vênh vách núi: “Triền cát dài bên vách núi chênh vênh/ Và gió biển như chàng trai phóng khoáng/ Chiếc vỏ ốc nhỏ nhoi nằm trên cạn/ Đâu biết giữa lòng cát ẩn một tình yêu” (Quê cát).

Sinh năm 1958, Trần Cao Duyên xuất hiện sớm trên thi đàn Quảng Ngãi sau năm 1975, đến nay, anh đã cho ra mắt 2 tập thơ (Hoa hút mật – 2004, Với đảo mùa xuân – 2010) và một tập tản văn (Hát nữa đi Hương – 2013) cùng nhiều tuyển tập thơ in chung khác. 
 
Mới đây, tác giả Trần Cao Duyên đã đoạt giải Nhất cuộc thi viết “Từ trong kí ức” năm 2020 – 2021 do báo Người Lao động tổ chức, với tác phẩm “Bóng trăng ngày ấy”. Cuộc thi này có gần 830 tác phẩm tham gia.

Khi đọc thơ Trần Cao Duyên, thường chợt nghĩ đến tên tập tản văn “Hát nữa đi Hương” của anh. Tôi không hiểu ý đồ của anh khi lấy tên tập tản văn này, nhưng nó cứ gợi nhắc tôi bài boléro nổi tiếng của Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, bài “Hương ca vô tận” – trong đó các lời bài hát luôn được mở đầu và láy đi láy lại bằng câu “Hát nữa đi Hương”. Mà thật thế, tiếp xúc với Trần Cao Duyên, ta sẽ nhận ra một ánh mắt đượm buồn, một u uẩn bên trong một tâm hồn rộng mở. 

 
Tôi đã từng ngồi hát cùng anh và nhóm “nghệ sĩ Sa Huỳnh” cả những đêm biển đầy trăng và trưa hè đầy nắng. Ngồi để nghe anh hát với cây ghi ta thùng cũng chỉ thường nghe một giọng điệu nhẹ nhàng, trầm bình với dòng nhạc boléro vương vương, nghèn nghẹn cất lên như những “âm vực cuối cùng tách bỏ lời ca”: “Đi giữa mùa thơ tìm câu hạnh phúc/ Những ngôn từ xa xỉ đánh lừa ta/ Tội nghiệp chú nai gõ móng vọng trăng ngà/ Rừng nguyên sinh thâm u đầy lá mục/ Tiếng chim chiều cuối năm kêu gì xa xót lắm/ Như âm vực cuối cùng vừa tách bỏ lời ca” (Âm vực mùa xuân). Tình yêu trong thơ Duyên cũng vậy, cứ nhè nhẹ, ân tình “thì thầm trao gửi” như “bờ dương”, “hàng dừa” xõa tóc vờn trong gió biển ban trưa: “Một bến đời – bến đợi – bến xôn xao/ (Xin đừng hỏi đợi ai và ai đợi)/ Khi cơn gió bờ dương thì thầm trao gửi / Và hàng dừa xõa tóc mộng mơ chi” (Quê cát). Đang bị mê hoặc bởi những lời thủ thỉ, bị lôi cuốn bởi cái “duyên ngầm” của cả con người và thơ Duyên, người đọc bất ngờ gặp những “cú” giật mình sững sờ bởi những tứ thơ anh “vô ý đánh rơi” đầy âm vang. 
 
Nhưng đó vẫn chỉ là những âm vang lặng lẽ dù có là tiếng vỡ của “chiếc bình ngày cưới” vô ý bị “đánh rơi” tạo nên vết thương lòng chẳng thể nào lành lại: “Đêm chờ xuân chăm chút mấy nhành hoa/ Ta vô ý đánh rơi chiếc bình ngày cưới/ Những mảnh vỡ trước giao thừa lầm lỗi/ Biết khi nào lành lại với thời gian?” (Âm vực mùa xuân) và lan tỏa, ngân dài bởi vang âm của chất nhạc: “Ngọn gió cuối đông đưa tôi về Cù Lao/ Cái tên lao xao những mảnh đời đầu sông cuối bể/ Vẫn chín chữ cù lao khi trở về đất Mẹ/ Dòng sông, con đò, những con đường thân thương đất nâu” (Xanh như màu buổi ấy)…
 
Phong cách im lắng, trầm dịu của thơ Trần Cao Duyên rất hợp với những không gian thẩm mỹ cổ xưa, dịu dàng, trầm mặc khi anh đưa ta về thăm phố cổ Hội An: “Chiều Hội An/ mái phố lăn tăn gờn gợn bóng thời gian/ nghe những trăm năm/ thầm thào/ trên rêu mờ tháp cổ/ áo trắng em bay lùa mây vào phố/ chiều bồng bềnh sương khói tứ thơ trôi” (Cảm nhận Hội An) cho dù anh đang viết nó ra trong “phút giây nông nổi” của mình: “Rượu một mình quán vắng chiều hanh/ giữa trầm mặc Hội An chợt thấy mình nông nổi/ thả chiếc lá thu vàng màu thời gian già cỗi/ theo tiếng chuông chiều tàn trôi tản mạn trên sông” (Cảm nhận Hội An).
 
Đọc thơ Trần Cao Duyên ta hiểu hơn sự ám ảnh của bản thể văn hóa – địa đối với cư dân ven biển miền Trung, ám ảnh của văn hóa một vùng đất đối với người cầm bút: “Quê cát với anh nồng mặn lắm từ khi/ Biết xếp giấy thả thuyền ra trước ngõ/ Biết đuổi bắt con còng trên bãi gió/ Biết cầm chèo bơi lội biết ra khơi”. Đặc biệt là trên vùng đất một thời của nền văn minh Sa Huỳnh rực rỡ: “Ơi bãi cát, cây sào và tấm lưới giăng phơi/ Con tàu lớn, những đêm vui mùa cá/ Có nhớ người xưa chiếc lưỡi câu bằng đá/ Cuộc sống vẫn tươi ròng trên mỗi nét hoa văn/ Cát ngập ngừng êm ả dưới bàn chân/ Người đi trước mồ hôi hòa mỗi hạt/ Để có Sa Huỳnh – có một miền quê cát/ Miền êm đềm sóng vỗ gọi người xa…” (Quê cát). Gọi thơ Trần Cao Duyên là những lời yêu ẩn trong lòng cát bởi vì những lẽ đó!
 
MAI BÁ ẤN
 
 
 
 
 

Nguồn:

Check Also

Tuyển dụng – Việc làm Quảng Ngãi mới nhất T2-2023

Tuyển dụng – Việc làm Quảng Ngãi mới nhất T6-2023

Việc làm Quảng Ngãi mới nhất Quảng Ngãi AZ cập nhật đến các bạn danh …